Siêu âm tim thai là phương pháp chẩn đoán hình ảnh y học nhằm phát hiện sớm những dị tật tim nặng, giúp kịp thời can thiệp điều trị ngay từ giai đoạn đầu của thai kỳ.
Tim thai xuất hiện tuần thứ mấy?
Trong quá trình phát triển của thai nhi, tim bắt đầu hình thành khá rõ và đập vào khoảng 22 ngày sau khi thụ thai, thường là trước khi người mẹ nhận ra mình có thai. Nhịp tim của thai nhi thường xuất hiện vào tuần thứ 6 – 7 của thai kỳ, lúc này bằng những kỹ thuật siêu âm hiện đại đã có thể nghe thấy nhịp đập tim thai. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp phải đến khoảng tuần thứ 8 – 10 của thai kỳ mới có thể nghe thấy tim thai. Điều này còn phụ thuộc vào chu kỳ kinh nguyệt (cách tính tuổi thai dựa vào chu kỳ kinh nguyệt) cũng như sự phát triển của phôi thai.
Trong giai đoạn sớm, theo bác sĩ giảng viên Cao đẳng Y dược Sài Gòn tim phát triển từ hình dạng ống đơn giản sau đó xoắn và phân chia, cuối cùng hình thành trái tim có 4 ngăn và van tim. Từ tuần thứ 20 trở đi thì nhịp đập của tim thai đã trở nên mạnh mẽ và lúc này chỉ cần dùng tai áp vào là có thể nghe thấy được. Nếu nhịp đập của tim thai càng to và dễ dàng nghe thấy chứng tỏ thai nhi rất khỏe mạnh và phát triển bình thường.
Siêu âm tim thai để làm gì?
Theo thống kê mới nhất của bộ Y tế, mỗi năm nước ta có khoảng 9.000 – 10.000 trẻ bị mắc bệnh tim bẩm sinh khi vừa chào đời, tỉ lệ này chiếm 0.8% số trẻ được sinh ra trong cùng năm. Trong số đó có 50% số trẻ bị tim bẩm sinh rất nặng và chỉ một nửa trong số trẻ bị bệnh tim bẩm sinh được làm phẫu thuật, số còn lại phải sống trong bệnh tật và đối đầu với nguy cơ từng ngày. Tuy nhiên, kiểm tra dị tật tim bẩm sinh lại là việc các thai phụ thường hay bỏ sót. Siêu âm tim thai là phương pháp chẩn đoán hình ảnh y học được thực hiện bởi các bác sĩ đã được đào tạo chuyên sâu về tim mạch bào thai.
Phương pháp siêu âm tim thai là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh giúp hỗ trợ bác sĩ trong việc đánh giá tình trạng tim mạch của bào thai như: nhịp tim, chức năng tim thai, các dị tật tim bẩm sinh . Các bác sĩ cũng khuyến cáo nên đưa phương pháp này vào chẩn đoán trước sinh giúp phát hiện sớm những dị tật tim nặng, giúp kịp thời can thiệp điều trị ngay từ giai đoạn đầu của thai kỳ.
Hiện nay, kỹ thuật siêu âm tim thai đã có những bước tiến lớn về công nghệ. Siêu âm tim thai có thể phát hiện được khoảng 60% bất thường tim thai. Siêu âm hội chẩn sau khi đã sàng lọc, sau đó chẩn đoán sẽ có kết quả chính xác khoảng 90% các bệnh tim thai trước sinh. Mặc dù trong giai đoạn này, tim của thai nhi là một cấu trúc phát triển và thay đổi từng ngày.
Những thai phụ nào nên thực hiện siêu âm tim thai?
Bác sĩ giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM cũng chia sẻ hầu như những trường hợp trẻ sinh ra bị mắc các bệnh tim bẩm sinh đều không có dấu hiệu nguy cơ trước đó. Vì vậy, các bác sĩ sản khoa đều khuyến cáo cho tất cả các sản phụ nên thực hiện siêu âm tim thai trong thai kỳ. Đặc biệt lưu ý đối với những thai phụ nằm trong nhóm nguy cơ cao như:
Đã phát hiện sự bất thường trong siêu âm thai định kỳ.
Sử dụng những thuốc có ảnh hưởng đến thai nhi như: thuốc chống co giật, thuốc chống trầm cảm, thuốc ức chế tổng hợp prostaglandin (salicylic acid, ibuprofen, indomethacin…)…
Thai nhi được thụ tinh nhân tạo.
Gia đình có tiền sử mắc bệnh tim bẩm sinh. Người mẹ từng có một con bị tim bẩm sinh, thai có nguy cơ mắc bệnh 1/20 – 1/100. Nếu có hai con trước bị tim bẩm sinh, thai có nguy cơ 1/10 – 1/20. Trong trường hợp mẹ mắc tim bẩm sinh, thai nguy cơ mắc 1/5 – 1/20. Nếu cha mắc bệnh thì thai nguy cơ mắc bệnh là 1/30, tức con có khả năng bị bệnh khoảng 3%.
Thai phụ mắc bệnh tiểu đường, Phenyl ketones niệu hoặc mắc phải một số bệnh di truyền khác như: Ellis Van Creveld, Marfan, Noonan…
Sản phụ bị nhiễm Rubella, bệnh tự miễn (lupus đỏ, HC Sjogren…) trong thời gian thai kỳ.