Danh mục
Trang chủ / Tin tức sức khỏe / Tìm hiểu các phương pháp chẩn đoán bệnh mạch vành chính xác

Tìm hiểu các phương pháp chẩn đoán bệnh mạch vành chính xác

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (1 votes, average: 5,00 out of 5)
Loading...

Bệnh mạch vành là căn bệnh diễn ra ở tim, diễn biến bệnh thường chậm và ít triệu chứng nên việc phát hiện bệnh thường gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ngày nay đã có nhiều phương pháp chẩn đoán bệnh mạch vành một cách chính xác ngay từ giai đoạn đầu của bệnh.

Đánh giá các yếu tố nguy cơ trước khi chẩn đoán bệnh mạch vành

Theo bác sĩ Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn, Những người có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ mắc bệnh mạch vành cần tiến hành các xét nghiệm cần thiết để đánh giá nguy cơ đối với bệnh tim mạch, nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

Bác sỹ sẽ hỏi về tiền sử bệnh của bạn và gia đình, kiểm tra huyết áp và làm xét nghiệm máu để đo nồng độ cholesterol trong máu. Trước khi làm xét nghiệm cholesterol, bạn cần nhịn ăn trong 12 giờ để không làm ảnh hưởng tới kết quả. Ngoài ra, bác sỹ có thể yêu cầu làm một số xét nghiệm máu khác và khai thác thông tin về lối sống, thói quen tập thể dục và các loại thuốc bạn đang sử dụng.

Kết quả xét nghiệm máu và các thông tin trên sẽ được sử dụng trong việc chẩn đoán bệnh mạch vành.

Những phương pháp chẩn đoán bệnh mạch vành

Tại bệnh viện, người bệnh sẽ được chỉ định một hoặc nhiều phương pháp chẩn đoán bệnh mạch vành sau:

Siêu âm tim (echo)

Siêu âm tim cho phép xác định cấu trúc và theo dõi chức năng bơm của tim, độ dày cơ tim và sự chuyển động của từng van tim. Tóm lại, phương pháp này tạo ra một bức tranh toàn cảnh và chi tiết của trái tim, từ đó giúp phát hiện vùng cơ tim không được nhận đủ lượng máu cần thiết để bác sỹ đưa ra chẩn đoán bệnh mạch vành chính xác.

Chụp cộng hưởng từ (MRI)

Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh y học bằng chụp cộng hưởng từ – MRI cho phép bác sỹ nhìn thấy hình ảnh chi tiết của trái tim, giúp phát hiện tình trạng tắc hẹp mạch vành và các bất thường khác ở tim.

Chụp động mạch vành

Chụp động mạch vành giúp xác định vị trí và mức độ hẹp mạch vành. Ngoài ra, phương pháp này còn cung cấp thông tin về áp lực bên trong buồng tim và hoạt động của trái tim.

Phương pháp chẩn đoán bệnh mạch vành này tương đối an toàn và hiếm khi xảy ra biến chứng nghiêm trọng. Nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ hoặc tử vong trong quá trình chụp mạch vành rất thấp, ước tính vào khoảng 1 – 2 ‰.

Mặc dù vậy, chụp mạch vành vẫn có thể gây ra một vài tác dụng phụ nhỏ, bao gồm:

– Cảm giác khó chịu khi chất nhuộm được tiêm vào ống thông.

– Chảy máu (lượng nhỏ) khi rút ống thông ra khỏi cơ thể.

– Vết bầm, đau nhức ở bẹn hoặc cánh tay tại vị trí luồn ống thông.

Chụp cắt lớp (CT scan)

Chụp cắt lớp sử dụng X-quang và một máy tính để tạo ra hình ảnh chi tiết của các cơ quan và cấu trúc bên trong lồng ngực, bao gồm tim và hệ mạch vành nhằm phát hiện các đoạn mạch bị tắc hẹp, từ đó giúp chẩn đoán bệnh mạch vành chính xác.

Điện tâm đồ

Điện tâm đồ ghi lại hoạt động điện của tim trong mỗi nhịp đập. Phương pháp này giúp phát hiện các vấn đề về nhịp tim, từ đó cho thấy dấu hiệu tổn thương tim do bệnh mạch vành và cơn nhồi máu cơ tim (hiện có hoặc trước đó).

Chụp X-quang

Chụp X-quang tim, phổi và lồng ngực giúp loại trừ các bệnh lý khác có triệu chứng giống như bệnh mạch vành.

Các xét nghiệm máu

Ngoài xét nghiệm định lượng cholesterol máu, bạn cần làm thêm một số xét nghiệm máu khác để theo dõi hoạt động của tim, trong đó có xét nghiệm men tim nhằm phát hiện các tổn thương do nhồi máu cơ tim.

Thử nghiệm phóng xạ (Radionuclide tests)

Bác sĩ – Giảng viên ngành Kỹ thuật hình ảnh Y học cho biết, thử nghiệm phóng xạ giúp bác sỹ đánh giá chức năng bơm máu của tim cũng như dòng chảy của máu đến cơ tim. Thử nghiệm phóng xạ cung cấp thông tin chi tiết hơn so với điện tâm đồ.

Trong thử nghiệm này, một lượng nhỏ chất phóng xạ được tiêm vào máu (đôi khi được tiêm khi người bệnh đang tập thể dục trên máy chạy bộ). Một camera được đặt ở gần ngực để phát hiện những nơi có nguồn cung cấp máu kém.

Trong một số trường hợp, người bệnh phải dùng thuốc làm cho tim đập nhanh hơn để thuận tiện cho việc chẩn đoán.

Nếu có các triệu chứng của bệnh mạch vành, chẳng hạn như đau thắt ngực, khó thở, bạn nên đến bệnh viện hoặc phòng khám tim mạch để được tiến hành các thử nghiệm cần thiết nhằm chẩn đoán bệnh mạch vành chính xác và điều trị kịp thời.

Có thể bạn quan tâm

Tìm hiểu kỹ thuật siêu âm tim qua thực quản

Hiện nay có nhiều phương pháp siêu âm tim phù hợp với từng trạng thái ...