Nhiều bệnh nhân viêm loét dạ dày điều trị kéo dài không khỏi, nguyên nhân chính là do ngại đi khám, hoặc xét nghiệm qua loa.
Hiện nay, những phương pháp xét nghiệm kết hợp đã giúp bác sĩ tìm được chính xác bệnh tình.
Cụ thể, các phương pháp mới hiện nay gồm:
Xét nghiệm nội soi dạ dày qua đường miệng
- Cách thường dùng nhất của nội soi dạ dày qua miệng là CLO test, phương pháp này được dùng rất phổ biến ở Việt Nam cũng như trên thế giới vì rẻ tiền. Cách đọc kết quả đơn giản, chỉ xem sự đổi màu của mẫu thử từ vàng sang hồng là dương tính. Bệnh nhân có thể nhận kết quả chỉ trong 1-3 giờ.
- Một xét nghiệm khác gọi là giải phẫu bệnh, tức lấy mẫu nhỏ của dạ dày, nhuộm màu rồi xem dưới kính hiển vi xem có vi khuẩn hiện diện không.
- Ưu điểm chung của các phương pháp cần phải nội soi là ngoài việc chẩn đoán được nhiễm H.Pylori còn có thể chẩn đoán được chính xác các bệnh lý ở thực quản dạ dày và tá tràng (đoạn đầu ruột).
- Nội soi tìm vi khuẩn gây viêm dạ dày còn giúp bác sĩ phát hiện các bệnh lý khác ở thực quản và tá tràng.
Xét nghiệm không cần nội soi
- Bằng cách kiểm tra hơi thở, các bác sĩ dùng nguyên tắc phân tích luồng khí thở của người bệnh trước và sau khi uống viên thuốc thử để phát hiện một loại men do vi khuẩn H.Pylori tiết ra, từ đó cho biết kết quả dương hay âm tính. Test này có đặc điểm là đắt tiền.
- Xét nghiệm máu tìm kháng thể là cách thứ hai của phương pháp chẩn đoán không thông qua nội soi. Xét nghiệm này không phát hiện trực tiếp vi khuẩn mà gián tiếp tìm một chất gọi là “kháng thể” tương ứng với vi khuẩn H.Pylori. Xét nghiệm này chỉ chẩn đoán nhiễm H.pylori trước khi điều trị, sau điều trị không thể dùng xét nghiệm này để biết hết nhiễm hay chưa.
- Ưu điểm chung của các phương pháp không cần nội soi giúp bệnh nhân tránh cảm giác lo sợ. Nhược điểm là chỉ chẩn đoán nhiễm H.Pylori hay không chứ không chẩn đoán được các bệnh lý của thực quản dạ dày tá tràng.
- Xét nghiệm chẩn đoán nhiễm H.pylori sâu hơn (“bắt bài” vi khuẩn)
Nuôi cấy vi khuẩn tìm sự nhạy và kháng với kháng sinh của vi khuẩn. Nuôi cấy không đơn giản như vi khuẩn thông thường. Sau khi lấy mẫu ra khỏi dạ dày, cần phải đưa vào môi trường đặc biệt để bảo quản ngay nhằm bảo đảm vi khuẩn vẫn tồn tại trong mẫu thử rồi ủ và cấy theo biện pháp riêng vì vi khuẩn H.pylori kỵ khí (tức cần môi trường thiếu oxy, nếu đầy đủ oxy như khí trời thì vi khuẩn bị ức chế không mọc được).
Tại TP HCM, từ trước đến nay các bác sĩ rất ít nuôi cấy vi khuẩn vì kỹ thuật khó, chưa có môi trường bảo quản thích hợp, vi khuẩn không mọc như vừa mô tả. Hiện một số bệnh viện tại TP HCM như Chợ Rẫy, Nguyễn Tri Phương đã thực hiện nuôi cấy làm kháng sinh đồ cho vi khuẩn H.Pylori.
Khi mới được khám phá, y học chỉ biết H.pylori gây viêm loét dạ dày, có nguy cơ gây ung thư dạ dày. Với tiến bộ của kỹ thuật gene, trên thế giới đã phân tích ra được độc lực của H.Pylori để phát hiện ra các chủng tiết độc tố mạnh làm viêm loét dạ dày tá tràng nặng nề và tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
Những vi khuẩn nào có đầy đủ các độc tố này sẽ có độc lực cao nhất (chủng “hung dữ”). Vi khuẩn không có tất cả các yếu tố này thì độc lực rất kém (chủng “hiền lành”). Đây là bước tiến mới trong việc nghiên cứu cơ chế gây bệnh của vi khuẩn H.Pylori.
Về điều trị, thuốc chính để điều trị lành bệnh viêm loét dạ dày là thuốc làm giảm tiết axit của dạ dày. Thuốc này sau khi hấp thu, được hệ thống men trong cơ thể chúng ta (có tên CYP2C19) biến đổi và đào thải ra khỏi cơ thể.
Gần đây, người ta phát hiện hệ thống men CYP2C19 ở mỗi người có mức độ hoạt động mạnh yếu khác nhau là do di truyền. Hê thống men này nếu hoạt động mạnh sẽ đào thải thuốc khá nhanh nên hiệu quả điều trị sẽ không cao.
Xét nghiệm 4 trong 1
Tại Bệnh viện, với một mẫu nhỏ niêm mạc dạ dày thu thập được trong khi nội soi dạ dày, các bác sĩ làm cùng một lúc 4 việc là tìm vi khuẩn H.Pylori như thông thường (Clotest), nuôi cấy vi khuẩn H.Pylori tìm độ nhạy với kháng sinh, xác định xem chủng độc lực của vi khuẩn H.Pylori. Biết được bệnh nhân có hệ thống men CYP2C19 đào thải thuốc trị loét dạ dày thuộc dạng mạnh yếu hay trung bình.
Phương pháp này hữu ích cho bệnh nhân bị viêm loét dạ dày do vi trùng H.Pylori nhưng thất bại sau một đợt điều trị thông thường, xét nghiệm sẽ xác định sự kháng thuốc của vi khuẩn nhằm có phác đồ điều trị thích hợp hơn. Bác sĩ cũng biết được chủng độc lực của vi khuẩn nhằm có chế độ theo dõi, điều trị và kiểm tra nội soi định kỳ thích hợp. Bệnh nhân cũng sẽ biết thuốc điều trị bị đào thải nhiều, ít hay trung bình nhằm điều chỉnh liều lượng thích hợp nhằm nâng cao hiệu quả điều trị của phác đồ diệt vi khuẩn.
Phương pháp này còn giúp bệnh nhân viêm loét dạ dày thông thường không phải do vi trùng H.Pylori nhưng điều trị lâu lành, dai dẳng kéo dài. Sau xét nghiệm, người bệnh biết được thuốc điều trị viêm loét dạ dày có bị đào thải như thế nào (nhiều, ít, hay trung bình) và điều chỉnh liều lượng thuốc thích hợp.
Một số trường hợp viêm loét dạ dày tái đi tái lại đã được xét nghiệm thông thường nhiều lần vẫn không tìm thấy vi khuẩn H.pylori, với phương pháp nuôi cấy và định chủng vi khuẩn có thể phát hiện ra vi khuẩn thật sự tồn tại trong dạ dày bệnh nhân. Từ đó có cách điều trị thích hợp.
Nguồn: Chẩn đoán hình ảnh